Giữ đầu óc nhạy bén khi cơ thể ngày càng già đi là điều quan trọng cần làm để ngăn ngừa bệnh tật.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 55 triệu người đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ và có gần 10 triệu trường hợp mắc mới mỗi năm trên toàn thế giới. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất và có thể chiếm 60 - 70% các trường hợp. Chuyên san Science đã đưa ra 4 khuyến cáo giúp cải thiện trí nhớ mỗi ngày.
Rèn luyện sự tập trung, thực hành thiền giúp cải thiện trí nhớ
- Tận dụng tất cả giác quan
Những ký ức phân bố rải rác khắp các trung tâm cảm giác của não nhưng được điều khiển bởi một vùng gọi là hồi hải mã (vùng chứa các tế bào thần kinh đặc biệt giúp cải thiện khả năng ghi nhớ). Nếu một trong các giác quan của cơ thể được kích thích để gợi lên ký ức, các giác quan khác cũng được kích hoạt.
Sử dụng cùng lúc các giác quan của cơ thể khi học hay tìm hiểu về một điều mới như vừa nhìn, vừa nghe, nói… sẽ giúp ghi lại ký ức lâu hơn và cải thiện trí nhớ. Trong lúc học, bạn cũng nên chia nhỏ nội dung thành nhiều phần, như cách chia số điện thoại để dễ ghi nhớ hơn.
- Tăng cường hoạt động thể chất
Thạc sĩ khoa học Ryan Glatt, huấn luyện viên về sức khỏe não bộ, nhận định trên trang web của Hiệp hội Thể dục y tế (Mỹ): “Các hoạt động thể chất đã được chứng minh giúp cải thiện sức khỏe não bộ ở nhiều khía cạnh như trí nhớ, sự tập trung và khả năng phản xạ. Với thực trạng các chứng sa sút trí tuệ và Alzheimer đang gia tăng, một chế độ tập thể dục đa phương thức, được cá nhân hóa với sự tư vấn của các huấn luyện viên có chuyên môn là một trong những cách tốt nhất để khắc phục tình trạng suy giảm nhận thức”.
Bạn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động thể dục hoặc 75 phút đi bộ nhanh hay tập nặng hơn.
- Ưu tiên cho giấc ngủ
Giấc ngủ có vai trò duy trì nhịp sinh học của cơ thể. Theo Trung tâm y khoa Mayo Clinic (Mỹ), hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 tiếng để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Việc nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc ngoài tăng cường khả năng ghi nhớ còn tác động tốt đến các hormone cảm xúc.
Tiến sĩ Myles Spar, Giám đốc Y tế Vault Health (Mỹ), cho biết: “Bên cạnh những lợi ích về giấc ngủ, khi thức vào ban đêm, mọi người thường sẽ ăn khuya và sử dụng đồ uống có cồn. Việc ngủ sớm sẽ giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt, bạn nên cố gắng suy nghĩ tích cực trước khi đi ngủ để ngủ ngon hơn”.
- Tập trung
Cũng theo Mayo Clinic (Mỹ), chúng ta không nên làm quá nhiều việc cùng lúc, nên ưu tiên một việc và tập trung làm tốt việc đó. Tập trung vào một việc sẽ giúp não lưu giữ thông tin về việc đó lâu hơn và dễ dàng nhớ lại sau này. Làm nhiều việc cùng lúc sẽ dễ dẫn đến căng thẳng. Các nghiên cứu từ nhiều năm qua được báo cáo trên chuyên trang Science đều cho thấy, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ. Căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến mất dần các tế bào thần kinh, đặc biệt là ở vùng hồi hải mã.
Để giảm bớt căng thẳng và bình tĩnh hơn khi gặp áp lực, bạn cũng có thể tìm hiểu và áp dụng phương pháp thiền chánh niệm. Những người quá bận rộn vẫn có thể thiền chánh niệm mỗi ngày cùng lúc những hoạt động đơn giản như thở, đi bộ, ăn uống, tập thể thao hoặc trong khoảng thời gian chờ.
contact-form
إرسال تعليق
Cảm ơn bạn đã bình luận!