Người công dân tốt và tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người công dân tốt

"Thời đại số" - Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Người công dân tốt là người thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Người công dân tốt

Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Người công dân tốt là người thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định.


Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân


-  Thực hiện tốt quyền của công dân:

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận, kiên nghị các vấn đề chung của cả nước và địa phương. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật; quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất; quyền xây dựng, thuê nhà ở theo quy hoạch và pháp luật.

Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế; được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ.

Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.

Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với nước được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội hoặc bất cứ cá nhân nào.

-   Thực hiện tốt nghĩa vụ chủ yếu của công dân:

+ Công dân phải trung thành với Tổ quốc.

+ Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.

+ Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước và lợi ích công cộng.

+ Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia.

+ Công dân phải chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; có nghĩa vụ thực hiện các quy đinh về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng.

+ Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật.

b)  Tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người công dân tốt

Công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra nhiều ngành nghề mới, đặt ra yêu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao; có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, kỷ luật, kinh nghiệm, kỹ năng lao động...

Những kiến thức, kỹ năng thực hành không thể có ngay mà là quá trình hình thành và phát triển trong học tập, rèn luyện ở nhà trường và sau khi ra trường. Người học sinh trung học chuyên nghiệp có những tiêu chí tu dưỡng rèn luyện để phấn đấu để trở thành người công dân tốt. Cụ thể:

-  Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân:

Thực hiện đúng và đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người công dân như đã nêu ở trên.

Hiện tại trong việc học tập và rèn luyện cần nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của người học sinh khi đến lớp, khi tự nghiên cứu, khi ở trường, ở ngoài xã hội.

Mỗi học sinh phải cố gắng vì sự phát triển của bản thân, vì gia đình, vì tập thể, vì xã hội, phấn đấu trở thành người công dân có ích cho đất nước.

- Có ý thức công dân:

Đối với người học sinh, ý thức công dân trước hết là hiểu ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Thấy được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với quyền lợi học tập của công dân và trách nhiệm của bản thân trong học tập.

Biểu hiện của ý thức công dân là cần cù, chăm chỉ, kiên trì, sáng tạo, tự giác và giữ kỷ luật trong học tập và rèn luyện.

-  Tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống:

Đó là tu dưỡng ý thức và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội; sống có trách nhiệm với bản thân mình và mọi người.

Có trách nhiệm trước tập thể và cộng đồng, biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống tiến bộ, biết phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.

Có lòng nhân ái, độ lượng, trân trọng các giá trị đạo đức công dân, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức công dân, phê phán những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp.

-  Nội dung tu dưỡng và rèn luyện của học sinh trung cấp chuyên nghiệp:

Có động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn. Học là để có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để thành người công dân tốt, người lao động tốt

Tự tin vào bản thân, vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để đạt kết quả cao nhất trong học tập, rèn luyện.

Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy chế của của nhà trường, của tập thể, pháp luật của Nhà nước.

Rèn luyện lương tâm nghề nghiệp, yêu lao động và tôn trọng lao động của người khác. Có ý thức rèn luyện tác phong công nghiệp, thích ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Có lối sống lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội, không gian lận trong học tập và tiêu cực trong cuộc sống.

Kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể; các hoạt động xã hội; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản của tập thể, của Nhà nước và xã hội.

Rèn luyện thân thể để có sức khoé tốt đáp ứng yêu cầu học tập và công việc phục vụ đất nước.

contact-form

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã bình luận!

Mới hơn Cũ hơn