Hậu COVID-19 ở trẻ em: Cần chú ý gì về chế độ dinh dưỡng?

"Thời đại số" Giai đoạn hậu COVID-19 cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe.

Đặc biệt, đối với trẻ em, một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất chính là chìa khóa để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng hậu COVID-19, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện sau này của trẻ.



1. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ có triệu chứng hậu COVID?

Theo nghiên cứu, có một số ảnh hưởng có thể xảy ra sau khi nhiễm COVID-19 trong khoảng 4 tuần hoặc nhiều hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm: Các vấn đề về hô hấp như: đau ngực, ho và khó thở; Các vấn đề về tim mạch như viêm cơ tim (đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, mệt mỏi); Ảnh hưởng đến hệ thần kinh; Thay đổi vị giác, khứu giác…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi khỏi COVID-19, trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng và không có dấu vết gì bởi khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm.

Trong 4 đến 12 tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, cha mẹ nên tập trung chủ yếu vào các phương pháp lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học để giúp cải thiện các triệu chứng ở trẻ là tốt nhất.

Nếu các triệu chứng hậu COVID ở trẻ em trầm trọng, không được cải thiện hoặc kéo dài hơn 3 tháng, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, xét nghiệm cụ thể.


2. Chăm sóc trẻ hậu COVID như thế nào?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Trịnh Phượng Kiều, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19 cũng như chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh thông thường. Tuy nhiên cần chú ý phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để được xử lý kịp thời.

Phụ huynh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện.

Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc; tham gia các hoạt động thể dục thể thao như trước đây và hoạt động giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách…

Theo bác sĩ Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103, tăng sức đề kháng cho trẻ chính là một chìa khóa quan trọng để chiến thắng COVID và hậu COVID. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và cho trẻ tập luyện nhẹ nhàng thay vì nghe các thông tin không đầy đủ rồi đi mua thuốc chữa hậu COVID-19.

Do đó, để phục hồi sức khỏe của trẻ trong giai đoạn hậu COVID, bên cạnh việc để trẻ nghỉ ngơi, vận động hợp lý, ngủ đủ giấc, cha mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng giúp ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng hậu COVID.

Cần chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tốt để tăng cường sức đề kháng trong giai đoạn hậu COVID


3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn hậu COVID

3.1. Cho trẻ ăn đủ chất, cân đối các thành phần dinh dưỡng

- Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc)Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...)Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật)Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)

- Cân đối chất béo động vật và thực vật

Chất béo thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có nhiều vai trò cần thiết cho cơ thể. Đó là nguồn sinh năng lượng quan trọng, là thành phần của nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao, là yếu tố cần thiết để cấu tạo màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh. Thành phần của não bộ có đến 60% là chất béo. Trong đó DHA và ARA là các thành phần chính. Chất béo giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ em...

Cần sử dụng phối hợp cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong bữa ăn hằng ngày từ 2 nguồn: mỡ các loại gia súc và gia cầm như lợn, bò, dê, cừu, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá... và các loại dầu như: dầu dừa, dầu cọ, dầu vừng, dầu lạc, dầu cải, dầu ô liu, dầu hướng dương.

Cần thực hiện chế độ ăn cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật.


- Kết hợp giữa đạm động vật và đạm thực vật

Nhìn chung đạm thực vật (đậu đỗ, ngũ cốc, khoai củ,...) có giá trị sinh học kém hơn đạm động vật do thiếu một hay nhiều axit amin cần thiết hoặc sự sắp xếp các axit amin không cân đối. Tuy nhiên đạm động vật (thịt, cá, trứng, hải sản...) không ở dưới dạng đơn thuần mà ở dưới dạng liên hợp như nucleoprotid (là phức hợp của protein với chất béo như photolipid, cholesterol...). Do vậy quá trình chuyển hóa sẽ tạo ra các sản phẩm độc hại cho cơ thể như ure, axit uric, nitrat, cholesterol...

Do đó cần thực hiện chế độ ăn cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật sẽ giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh và hạn chế việc sinh ra các yếu tố không có lợi cho sức khỏe.

- Ngoài ra, BS. Mạnh Cường cũng lưu ý cha mẹ cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho trẻ :

+ Vitamin A: Giúp duy trì sự toàn vẹn của hệ tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc, tăng đề kháng, tốt cho thị lực. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A là: Gan, trứng, sữa, các loại rau củ quả, trái cây có màu xanh hoặc vàng (rau diếp, cà rốt, cà chua, bí đỏ…)

+ Vitamin B (B1, B6, B12) : Thiếu vitamin nhóm B sẽ gây phù, suy giảm trí nhớ, viêm dây thần kinh tim, suy tim. Các vitamin này có trong thịt, cá, trứng, cám gạo, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, bông cải xanh, bơ, phô mai, sữa chua.

+ Vitamin C: Tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Nếu thiếu dễ gây xuất huyết dưới da và niêm mạc, giảm tổng hợp collagen, giảm sức đề kháng. Vitamin C có trong cam, quýt, ổi, cà chua, bông cải xanh, rau cải...

+ Vitamin D: Tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Thiếu vitamin D gây còi xương, chậm lớn, thấp bé. Vitamin D có trong các loại cá béo, nấm, hải sản, lòng đỏ trứng...

+ Vitamin E : Thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, chống lão hóa và oxy hóa. Vitamin E có trong hạnh nhân, hạt dẻ, rau bina, rau cải xanh...

+ Vitamin K: Thiếu vitamin K làm tăng nguy cơ xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não, màng não. Vitamin K có trong trứng, măng tây, ngò tây, cần tây, bông cải xanh, dưa chuột, dầu oliu, trái cây sấy khô.

+Thực phẩm giàu iod từ các loại rong biển.

+ Thực phẩm giàu sắt: rau bina, bông cải xanh,gan, các loại đậu, thịt đỏ…

+ Thực phẩm giàu canxi: Cua, tôm, cá, ốc, đậu nành, mộc nhĩ, vừng, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa. Khi chuyển sang dùng sữa bò nguyên chất, trẻ cần được cung cấp đủ 500mg canxi mỗi ngày.

+ Thực phẩm giàu kẽm: Thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa tươi nguyên chất, phô mai.

+ Flour: Có trong cá biển, rau, sữa và các chế phẩm từ sữa…


3.2. Tăng cường rau xanh và trái cây tươi

Nên cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp đa dạng các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe.

Có thể cho trẻ ăn đa dạng các loại rau và trái cây nhiều màu sắc để được cung cấp nhiều loại vitamin và chất chống oxy hóa. Nếu trẻ không thích ăn toàn bộ trái cây cha mẹ có thể cắt nhỏ trộn với sữa chua, xay sinh tố hoặc ép nước cho trẻ uống cũng rất tốt. Lưu ý không nên thêm nhiều đường.

Sữa chua trộn trái cây giàu vitamin và chất xơ tốt cho hệ miễn dịch của trẻ.


3.3. Bổ sung thực phẩm giàu protein

Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để có một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

Vì vậy, cha mẹ nên chú ý tăng cường thực phẩm giàu protein trong chế độ ăn uống của trẻ để bổ sung các chất dinh dưỡng đã bị mất đi. Nguồn thực phẩm giàu protein tốt là: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt...


4. Cách cho trẻ ăn uống phù hợp

- Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Nếu trẻ còn ho, đau họng nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như cháo thịt băm, cháo gà, súp gà…

- Nếu trẻ còn mệt, biếng ăn nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày giúp trẻ dễ ăn và dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.

- Nên cho trẻ ăn các món ăn mới nấu, ăn ngay khi còn ấm. Bữa ăn của trẻ nên được nấu tại nhà với nguồn thực phẩm an toàn và chế biến đảm bảo vệ sinh.

- Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối và các loại nước uống công nghiệp.

- Nếu trẻ đi ngoài, kém ăn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung men vi sinh và kẽm.

- Lưu ý: Cha mẹ nên thường xuyên theo dõi cân nặng, lượng thức ăn trẻ ăn được trong ngày. Nếu trẻ ăn ít không đủ hoặc có biểu hiện chán ăn, suy dinh dưỡng cần tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để có biện pháp can thiệp phù hợp.

5. Ngăn ngừa tái nhiễm COVID ở trẻ

Theo BS. Trịnh Phượng Kiều, cha mẹ chú ý ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ đồng thời chú ý ngăn ngừa trẻ tái nhiễm bệnh bằng cách:

Tiêm vaccine phòng COVID -19 cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.Nhắc trẻ duy trì thói quen đeo khẩu trang.Giữ khoảng cách với người khác, nhất là khi trẻ đi học trực tiếp trở lại.Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn.

ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia

"Cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị, những thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn."

Nguồn: Bộ Y tế

contact-form


Post a Comment

Cảm ơn bạn đã bình luận!

Mới hơn Cũ hơn